Tin tức việc làm
Theo Hãng tin AFP, các công đoàn cho biết có tới 1,5 triệu người đi biểu tình trên đảo Java, một con số cực lớn. Nguồn tin cảnh sát cho biết ở thủ đô Jakarta và các vùng lân cận có 60.000 người đổ ra đường. Đình công và biểu tình diễn ra ngày càng nhiều ở Indonesia trong bối cảnh nền kinh tế đang bùng nổ.
60.000 Công nhân Indonesia biểu tình đòi tăng lương
Hàng loạt nhà máy sản xuất quần áo, đồ điện tử, thuốc men… trên khắp cả nước phải đóng cửa. Các công đoàn khẳng định chính phủ phải tăng lương cho công nhân do chi phí sinh hoạt hiện đang tăng vọt vì lạm phát, chủ yếu xuất phát từ việc nhà nước tăng giá xăng dầu.
AFP cho biết trong nhiều tháng qua đã có những lời kêu gọi tăng lương cơ bản trong bối cảnh giá cả tăng vọt vì lạm phát cao.
Nhà chức trách triển khai 17.000 cảnh sát ở thủ đô Jakarta và hơn 1.500 ở khu Bekasi. Ông Said Iqbal, chủ tịch Liên đoàn các công đoàn công nhân Indonesia, cho biết tỉ lệ lạm phát 8,4% khiến cuộc sống của người dân trở nên rất khó khăn.
“Giá cả đang tăng vọt. Rất nhiều công nhân không thể trả tiền nhà phải dọn ra sống ở các gầm cầu. Họ phải ăn mì gói thay vì cơm. Công nhân đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, vậy tại sao chúng tôi lại chịu khổ như vậy?”.
Các công nhân nói họ bị tác động nặng nề bởi giá nhiên liệu trợ giá tăng hồi tháng 6. Giá xăng đã tăng 44% trong khi giá diesel tăng 22%.
Tại khu công nghiệp Bekasi bên ngoài thủ đô Jakarta, người biểu tình giơ cao các băngrôn ghi: “Hãy nâng lương 50% cho chúng tôi”. “Cuộc sống hiện tại quá đắt đỏ - anh Muhammed Muhklas, 26 tuổi, công nhân một nhà máy dược, than thở - Chúng tôi phải trang trải tiền nhà, tiền thực phẩm và mức lương 2 triệu rupiah (175 USD)/tháng là không đủ”.
Trong năm nay, công nhân ở thủ đô Jakarta được nâng lương 44% lên 2,2 triệu rupiah (200 USD)/tháng. Tháng 11 này, chính quyền sẽ cân nhắc việc điều chỉnh mức lương tối thiểu và các công đoàn kêu gọi nâng lương cho công nhân lên 3,7 triệu rupiah.
Tuy nhiên, có quan ngại rằng nếu lương tăng quá cao có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng sang các nước châu Á lân cận.
VIỆT PHƯƠNG - NGUYỆT PHƯƠNG
Chi tiết tại: http://vieclamnhat.blogspot.com/
Đăng nhận xét