BREAKING NEWS

Category 5

Category 6

Category 7

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Giúp công nhân được sống tốt hơn

Tin tức lao động

Tiền lương chỉ bằng 70% mức sống tối thiểu, nhà ở cũng chỉ đáp ứng được khoảng 5/90% có nhu cầu, nhiều công nhân không có việc làm, làm việc cầm chừng. Đó là thực tế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nước ta. Xung quang vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với Tiến sĩ Đặng Quang Điều (ảnh), Trưởng Ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).


´Ông đánh giá thế nào về chất lượng đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay?

Những năm qua Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống công nhân ở các khu công nghiệp bằng việc cải thiện tiền lương, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh đời sống công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, sự cố gắng của các cấp, các ngành chưa có sự bứt phá nên đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là, do tiền lương, thu nhập của người lao động chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay khi nền kinh tế nước ta không nằm ngoài sự suy thoái của thế giới. Tiền lương tối thiểu của công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động, nên càng khó khăn vất vả hơn. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống lại liên tục tăng cao. Công nhân đã phải tiết kiệm chi tiêu từng đồng mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Họ hầu như không có tích lũy. Nếu hai vợ chồng có một đứa con sẽ không đủ sống phải nhờ người thân giúp đỡ thêm. Công đoàn cũng rất chia sẻ với người lao động và mong thời kỳ suy thoái kinh tế sớm qua đi, sản xuất kinh doanh phát triển để cải thiện cuộc sống của người lao động, để họ tái sản xuất sức lao động được tốt hơn.
´Như vậy thì đời sống tinh thần của họ thế nào, thưa ông?

Khi cuộc sống vật chất khó khăn như vậy, công nhân không có khoản tiền nào để hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần. Họ không có tiền để đi du lịch, xem phim, ca nhạc… Trong thời đại thông tin như hiện nay, nhiều công nhân vẫn bị “mù thông tin”, bởi họ không có tiền mua báo, ti vi, đài và internet lại càng không.
´Chúng ta đã có những chính sách gì về nhà ở đối với công nhân, thưa ông?

Hiện nay, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất rất thiếu thốn về chỗ ở. Có trên 90% lao động ở khu công nghiệp, chế xuất có nhu cầu thuê nhà, nhưng mới chỉ 5% được thuê nhà ở, do doanh nghiệp, nhà nước xây, còn lại phải đi thuê nhà của người dân ở xung quanh để ở. Thời gian vừa qua tổ chức công đoàn đã kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù để các tổ chức, cá nhân xây nhà cho công nhân ở. Cơ chế chính sách này đã thể hiện trong Quyết định 66 của Chính phủ ban hành từ năm 2009, nhưng chính sách này không đi vào cuộc sống vì vậy tình hình nhà ở của người lao động vẫn rất khó khăn. Do quyết định chưa có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư xây nhà ở cho công nhân, bởi việc thu hồi đủ vốn từ dự án này rất lâu. Ngoài ra, còn do khủng khoảng tài chính cũng gây khó khăn khi thực hiện quyết định này.

Những chợ tạm, chợ chiều là nơi mua bán “ruột” của công nhân sau giờ tan ca.

Việc xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em công nhân cũng thiếu thốn trầm trọng. Công nhân không có chỗ gửi con nên phải gửi ở những nhà trẻ tư thục hoặc phải đưa con về quê nhờ ông bà, người thân. Trẻ đến tuổi đi học lớp 1 cũng không đủ chỗ, nên con em công nhân phải cầu cạnh nhiều nơi để có thể cho con em vào trường dân lập để học.
´Ông có suy nghĩ gì về việc nhiều công nhân đang lo lắng năm nay sẽ không có tiền thưởng Tết?

Hoàn toàn là có nguy cơ như vậy, bởi trước khó khăn của doanh nghiệp, nhiều công nhân còn lo tiền lương của mình có thể bị cắt xén, hoặc Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu, nhưng doanh nghiệp không thực hiện. Tuy nhiên, tiền thưởng là do lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp, luật cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng.
´Tổng Liên đoàn có giải pháp gì để công nhân có đời sống tốt hơn, thưa ông?

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia tích cực vào việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, làm sao sớm tiếp cận được mức sống tối thiểu của công nhân. Hiện nay, mức lương tối thiểu mới chỉ đạt khoảng 70% mức sống tối thiểu của công nhân, chưa đủ để họ tái sản xuất sức lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tham gia mạnh mẽ vào việc kiến nghị các cơ quan hữu quan trong vấn đề thực hiện nghiêm các chế độ chính sách đối với công nhân như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm… bởi các chính sách này được quy định trong các luật, nhưng việc thực hiện đang bị vênh nhau rất lớn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị cần phải có chế tài thật mạnh, giải pháp quản lý tốt để những chính sách mà đương nhiên công nhân được hưởng thì cần thực hiện một cách nghiêm túc. Việc nợ bảo hiểm xã hội là do các công ty, doanh nghiệp nợ, nhưng công nhân lại là người phải chịu thiệt thòi. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những sai phạm và kiến nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các công ty, doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định giờ làm việc để làm sao luật phải được tôn nghiêm.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi Quyết định 66 về làm nhà ở cho công nhân đi vào cuộc sống như: Cần có kinh phí của Nhà nước và có quy hoạch khu nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp để trở thành một đô thị, thành phố cho công nhân, ở đó có đầy đủ hạ tầng cơ sở: Nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trạm xá để phục đời sống công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Thủy (thực hiện)

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2013 Việc làm Nhật Bản
Powered byBlogger