BREAKING NEWS

Category 5

Category 6

Category 7

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ngày càng đẩy mạnh

Tin tức lao động

QĐND - Được triển khai từ tháng 9-2013 đến tháng 9-2016 với tổng kinh phí hơn 9,4 triệu USD, Dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)” được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động thời gian tới.
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn quốc đã xảy ra 3.322 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.431 người chết và bị thương (323 người chết, 759 người bị thương nặng). TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương vẫn là những địa phương đứng đầu cả nước về  TNLĐ; trong đó ngành nghề khai thác khoáng sản; xây dựng; kinh doanh điện; cơ khí chế tạo luôn xảy ra TNLĐ nhiều nhất. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2013 (chi phí tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và bị thương...) là 39,23 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 5,06 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên đến 38.109 ngày.
Công nhân Công ty Điện lực Hà Nam luyện tập chữa cháy, nổ.

Tại TP Hồ Chí Minh, 9 tháng năm 2013 tình hình TNLĐ, sự cố cháy nổ trên địa bàn vẫn ở mức cao với 76 vụ TNLĐ chết người, tăng 12 vụ tai nạn chết người so với cùng kỳ năm 2012. Theo đại diện Sở LĐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do nhận thức của nhiều đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ về công tác ATVSLĐ-phòng, chống cháy nổ còn hạn chế; các cơ quan quản lý nhà nước các cấp không đủ lực lượng; cơ chế thanh, kiểm tra ATVSLĐ chưa chặt chẽ và đặc biệt là nhiều người lao động và chủ sử dụng lao động còn nhận thức chủ quan, thiếu hiểu biết, không chủ động phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Không riêng ở TP Hồ Chí Minh, mà TNLĐ đang có chiều hướng gia tăng trong cả nước. Trong đó nguyên nhân dẫn tới TNLĐ chủ yếu là do ý thức chủ quan, thiếu hiểu biết của cả người lao động và người sử dụng lao động. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân thường không chú ý tới công tác an toàn lao động, không tổ chức tập huấn về an toàn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật. Thậm chí, nhiều loại máy móc không có hướng dẫn cụ thể quy trình vận hành, nhất là những loại máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng...
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH) cho biết, mỗi năm Việt Nam có hàng triệu người lao động được huấn luyện về ATVSLĐ, nhưng con số này mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng lao động trên toàn quốc. Xuất phát từ thực tế này, Bộ LĐ-TB và XH đã triển khai “Dự án nâng cao năng lực Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ” với tổng kinh phí hơn 9,4 triệu USD, trong đó Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 3,4 triệu USD và kinh phí từ Chính phủ Việt Nam là hơn 6 triệu USD. Dự án gồm 11 nhiệm vụ, chia đều trong 4 hạng mục: Phát triển chương trình giảng dạy, giảng viên Hàn Quốc triển khai đào tạo tại Việt Nam, đào tạo công chức Việt Nam tại Hàn Quốc và lắp đặt thiết bị huấn luyện. Mục tiêu của dự án là trang bị kiến thức, đào tạo về ATVSLĐ cho 90.000 lao động mỗi năm, gồm: 40.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 10.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 40.000 cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
“Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB và XH đã tập trung triển khai các dự án nhằm giảm lượng TNLĐ, nhất là những tai nạn liên quan trực tiếp đến tính mạng người lao động. Việc nâng Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ lên tầm quốc gia là một trong những bước đi chiến lược của các dự án này” - ông Thắng nhấn mạnh.
Cảnh báo của các chuyên gia cho thấy, Việt Nam đang đi sau nhiều nước trên thế giới về ATVSLĐ và sẽ là quá muộn nếu không có những giải pháp phù hợp. Chính vì vậy, việc triển khai dự án là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay TNLĐ xảy ra phần lớn do thiếu hiểu biết của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục… đã đến lúc cần phải luật hóa công tác ATVSLĐ để các cấp, ngành, địa phương có chế tài xử lý. Hơn nữa, khi công tác ATVSLĐ được đưa vào luật, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đều bình đẳng và bắt buộc phải thực hiện, không thể viện lý do để “né” việc thực hiện an toàn lao động./.
 Bài và ảnh: KHANH LÊ 

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2013 Việc làm Nhật Bản
Powered byBlogger