BREAKING NEWS

Category 5

Category 6

Category 7

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

An toàn lao động tại các làng nghề vẫn bị “thả rong”

Thông tin việc làm

An toàn lao động tại các làng nghề vẫn bị “thả rong”

(VEN) - Hiện nay, cả nước có hơn 2.000 làng nghề được công nhận, thu hút hàng chục triệu lao động, nhưng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở các làng nghề này vẫn còn rất nhiều hạn chế. 

 “Thờ ơ” với an toàn vệ sinh lao động 
Chúng tôi đến làng nghề kim khí xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) - làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm nay với trên 100 mặt hàng đang có mặt trên thị trường như tôn lợp, bản lề, khung nhà xưởng, cuốc, xẻng.… Làng nghề này đã tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hàng nghìn lao động từ các xã lân cận và tỉnh ngoài. Thế nhưng đa phần lao động ở làng nghề này từ chủ cho đến người làm thuê đều chưa có ý thức trong vấn đề bảo đảm ATVSLĐ, dẫn đến tai nạn lao động xảy ra khá thường xuyên. Trạm y tế xã Phùng Xá ghi nhận, trung bìnhmỗi năm có trên 100 ca tai nạn lao động làng nghề, phổ biến là rách da do tôn cứa, cụt đốt ngón tay.…
Anh Nguyễn Đức Hoàn, thợ cơ khí thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cho biết: “Chúng tôi làm thế này quen rồi, mặc quần áo vướng víu chân tay, tiếp xúc với lửa lò thường xuyên thì nóng nên không ai muốn mặc kín cả, nhất là vào mùa hè, ngoài trời còn nóng trên 30ºC, huống hồ là trong lò...”.
Tình trạng này cũng diễn ra tại làng nghề cơ khí và gỗ mỹ nghệ xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Do thờ ơ với công tác ATVSLĐ nên mỗi năm ở đây xảy ra hàng trăm ca tai nạn lao động, nhiều trường hợp bị cắt mất cả bàn tay, bị mù hay thị lực giảm do mạt sắt bắn vào. 100% người lao động làm việc tại nơi có tiếng ồn cao, không sử dụng phương tiện bịt tai, nút chống ồn.…
Ngay tại làng lụa nổi tiếng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), mặc dù vải lụa là mặt hàng dễ cháy, song hầu hết các gian hàng bày bán sản phẩm không có phương tiện phòng cháy chữa cháy. Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết: “Hiện Vạn Phúc có khoảng 700 máy dệt đang hoạt động tại 400 hộ dân, nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp lớn được trang bị bình bọt chữa cháy.Các hộ gia đình tự do kinh doanh, không ai quản lý nên chuyện phòng cháy chữa cháy vẫn nằm ngoài vùng kiểm soát”.
 Cần siết chặt hơn 
Theo Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, đây là thực trạng chung trong việc sử dụng lao động tại hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề. Môi trường sản xuất hiện nay rất thiếu an toàn, phương tiện lao động cũ kỹ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng. Các quyền lợi của người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất làng nghề như ký hợp đồng lao động, đóng BHYT, BHXH... cũng không được quan tâm. “Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng này là phải làm việc theo nguyên tắc, luật pháp phải nghiêm minh và có những chế tài đủ mạnh”, ông Dần nhấn mạnh
Ngoài ra, theo các chuyên gia ngành y tế, việc bảo đảm sức khỏe cho người lao động tại các làng nghề cần phải có sự kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hơn. Với lao động tại các làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao, việc khám sức khỏe cho người lao động phải được tiến hành định kỳ hàng năm. Đồng thời, người lao động cần tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Mặt khác, các cấp chính quyền cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; tăng cường các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình/doanh nghiệp.../.
 Quỳnh Nga

Đăng nhận xét

 
Copyright © 2013 Việc làm Nhật Bản
Powered byBlogger