BREAKING NEWS

Category 5

Category 6

Category 7

Category 1

Category 2

Category 3

Category 4

viec lam nhat ban

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Các lỗi thường gặp khiến CV của bạn bị ném vào... thùng rác

Tin tức lao động

Thực sự thì bạn có rất ít thời gian để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng bản lí lịch cá nhân của mình, vậy nên điều quan trọng nhất bạn cần làm đó là tránh mắc những lỗi cơ bản.


các lỗi thường gặp khiến CV của bạn bị ném vào... thùng rác

Sau đây là 20 lỗi có thể ngay lập tức khiến hồ sơ của bạn bị vứt vào thùng rác.
 1. Quá dài dòng 
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng thì các nhà tuyển dụng chỉ dành 6 giây để nhìn vào bản CV của bạn. Vì thế hồ sơ của bạn càng dài dòng thì nhà tuyển càng khó tìm ra những điểm chính trong đó. Độ dài hợp lí là từ một đến hai trang.
 2. Sử dụng địa chỉ email không phù hợp 
Ngày nay email là phương tiện giao tiếp được ưu tiên tại các công sở, vì vậy sẽ chẳng lí do nào để biện hộ cho việc bạn không có một địa chỉ email phù hợp. Đừng dùng những email với những cái tên quá teen như babygirl@..., hay nhocxinh@....
 3. Dán ảnh cá nhân vào bản lí lịch 
Trừ khi hình ảnh của bạn ảnh hưởng đến công việc của bạn, ví dụ như người mẫu hay diễn viên, nếu không thì bạn không nên thêm ảnh cá nhân vào bản lí lịch. Lí do là: nhà tuyển dụng sẽ dành quá nhiều thời gian để tập trung vào bức ảnh thay vì vào việc bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không.
Trong một khảo sát mới đây, 19% thời gian các nhà tuyển dụng sẽ mất tập trung bởi bức ảnh, vì thế sẽ có ít thời gian hơn dành cho kĩ năng, kinh nghiêm làm việc … mà bạn trình bày trong bản lí lịch.

các lỗi thường gặp khiến CV của bạn bị ném vào... thùng rác 1

 4. Quên để lại link dẫn đến hồ sơ online của bạn 
Thay vì dán một bức ảnh vào bản lí lịch, bạn có thể để lại đường link giúp nhà tuyển dụng có thể xem xét thêm hồ sơ của bạn sau khi họ đã đọc bản lí lịch.
86% các nhà tuyển dụng đồng ý rằng họ có xem lại hồ sơ của các ứng viên. Vậy thì tại sao không để lại một đường link dẫn đến hồ sơ online giúp người tuyển hiểu thêm về bạn, cũng như là tránh những hiểu lầm không nên có.
 5. Chèn thêm bảng, hình ảnh hay biểu đồ 
Việc này chèn thêm bảng, hình ảnh hay biểu đồ có thể gây khó khăn thậm chí trục trặc trong hệ thống phần mềm theo dõi các ứng viên, điều đó có thể gây ảnh hưởng tới việc nộp hồ sơ của bạn.
 6. Thông tin không trùng khớp 
Cho dù bạn trình bày bất cứ thông tin gì trong hồ sơ thì chúng nên trùng khớp nhau trong tất cả các tài liệu bạn ứng tuyển.
 7. Thiếu những từ khóa quan trọng 
Việc sử dụng những từ khóa hợp lí sẽ giúp các nhà tuyển dụng nhanh chóng có cái nhìn chính xác về khả năng của các ứng viên.
 8. Đưa ra những kết luận mang tính chủ quan 
Những nhận xét, đánh giá chủ quan là thừa trong một bản lí lịch. Khoảng từ ba đến năm dòng cho những đánh giá khách quan về điểm mạnh và giá trị của bạn là một độ dài hợp lí.
 9. Không đưa ra những vấn đề phát sinh có thể xảy đến 
Bạn có đề nghị cấp visa hay có sẵn lòng thay đổi địa điểm sống để làm việc không? Nếu vậy, thì bạn nên đề cập đến những vấn đề đó trong bản lí lịch của mình.
 10. Sử dụng Header và Footer 
Việc sử dụng chúng trong văn bản có thể làm cho văn bản trông ngọn ngàng và đẹp mắt hơn, tuy nhiên, cũng giống như bảng biểu hay hình ảnh, chúng có thể gây lỗi với hệ thống theo dõi hồ sơ ứng viên.
 11. Cách trình bày không hợp lí 
Cách trình bày là yếu tố quan trọng hơn bất kì yếu tố nào khác trong bản lí lịch của bạn. Cách trình bày tốt nhất là giúp người xem dễ dàng tìm ra và xác định được những điểm chính mà bạn mong muốn được chú ý tới.
 12. Sử dụng font chữ và màu sắc ngớ ngẩn 
Điều bắt buộc: luôn là đen và trắng đối với màu sắc và Arial, Tahoma, Calibri… đối với font chữ.
 13. Cách dòng không đủ rộng 
Khoảng trắng giãn cách giữa các dòng ảnh hưởng rất nhiều đến việc đọc của người xem, vì thế đừng để những dòng chữ quá chi chit gây khó khăn cho người đọc.
 14. Không trình bày theo thứ tự thời gian gần nhất 
Việc trình bày theo thứ tự thời gian gần nhất thực sự rất hữu ích, bởi các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xác định ngay những việc bạn đã làm được gần đây nhất.
các lỗi thường gặp khiến CV của bạn bị ném vào... thùng rác 2
 15. Không mô tả công ty trước đây từng làm việc 
Một mô tả ngắn gọn về công ty nơi bạn từng làm việc sẽ giúp người tuyển dụng hiểu được công việc trước đây của bạn.
Ví dụ vị trí kế toán trong công ty lĩnh vực công nghệ rõ ràng là khác với trong một bệnh viện nào đó. Cách dễ nhất là hãy trích một hoặc hai dòng từ mục “About us” tại website công ty cũ vào phần mô tả của bạn.
 16. Viết một đoạn quá dài 
Một đoạn văn quá dài sẽ rất khó đọc. Thay vào đó bạn hãy dùng những gạch đầu dòng để liệt kê những điểm chính và một vài dòng để mô tả thêm nếu cần thiết.
 17. Kể ra quá nhiều thành tích, kinh nghiệm 
Bạn không bao giờ nên liệt kê ra những bằng cấp hay chứng chỉ bạn đạt đươc cách thời điểm ứng tuyển hơn 15 năm.
 18. Thông tin không phù hợp 
Bạn đừng kể ra hết tất cả những thành tích hay kinh nghiệm nếu chúng không có giá trị gì với vị trí bạn đang ứng tuyển.
 19. Không nêu ra những hoạt động xã hội phù hợp 
Nếu bạn từng làm một công việc tình nguyện, nhà tuyển dụng có thể sẽ phản ứng tích cực với thông tin đó. Chứ không phải bởi vì công việc đó không được trả lương thì bạn không nên được vào bản lí lịch của mình.
 20. Trình bày những kĩ năng mặc định mỗi ứng viên bắt buộc phải có 
Chẳng hạn nếu bạn đang ứng tuyển vị trí trong lĩnh vực tài chính, thì sử dung thành thạo Excel là kĩ năng bắt buộc, nên chẳng có giá trị gì để liệt kê chúng ra ở bản lí lịch.
 Vĩnh Thanh 
 Theo Trí Thức Trẻ/BusinessInsider

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Nhà ở miễn phí cho công nhân bỏ hoang

Tin tức lao động

Khan hiếm chỗ ở, điều kiện sống chật chội, thiếu thốn của công nhân là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, có những khu lưu trú miễn phí dành cho công nhân sạch sẽ, tiện nghi, an ninh bảo đảm lại lâm vào tình trạng bỏ không…


 Nhà ở miễn phí cho công nhân bỏ hoang 1
Dãy nhà khu A sức chứa 600 người của Công ty TNHH Hungway đã quây rào không hoạt động từ lâu - Ảnh: Nguyễn Tập

 Thiếu mà thừa 
Đến khu lưu trú Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1), chúng tôi khá bất ngờ về điều kiện tiện nghi cho công nhân quá tốt. Ngoài phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát, tại đây còn có phòng đọc sách, karaoke, phòng tập thể dục thẩm mỹ, khu vực tư vấn sức khỏe, tâm sinh lý cho công nhân… Tất cả đều miễn phí (điện nước đóng chỉ 20.000 đồng/tháng). Tuy vậy, dù số công nhân tại công ty này là 4.500 người, khu lưu trú có sức chứa đến 2.220 người nhưng hiện nay chỉ lấp đầy khoảng…1/3.
Cùng cảnh ngộ là khu lưu trú miễn phí cho 1.012/1.700 công nhân Công ty TNHH Hungway (KCX Tân Thuận, Q.7). Dãy nhà khu B với 80 phòng chỉ kín 50 phòng (khoảng 300 người). Nguyên dãy nhà khu A 100 phòng (sức chứa 600 người) hiện đang… quây rào lại vì không có người ở. Cạnh đó, khu lưu trú Công ty TNHH công nghiệp Đức Bổn có 86 phòng (448 chỗ), tổng đầu tư khoảng 30 tỉ đồng nhưng số người vào ở cũng chỉ lác đác.
Vì các khu lưu trú này xây dựng để phục vụ riêng công nhân công ty, nên người ngoài không được phép ở chung, ngay cả người thân. Điều này khiến công nhân của chính công ty từ chối.

Theo báo cáo của Ban Quản lý KCX-KCN (Hepza), tổng số lao động làm việc khoảng 270.000 người. Tính đến tháng 9.2013, có 11 dự án nhà lưu trú công nhân với 11.400 chỗ ở (giải quyết được khoảng 4,2%). Được biết, KCN Tân Tạo hiện còn dự án khu lưu trú 1.800 chỗ chưa triển khai; quý 2/2014, KCX Linh Trung 2 dự kiến sẽ đưa vào hoạt động khu lưu trú 2.200 chỗ cho công nhân.

Nguyễn Thị Lê Thuy dù làm cho Công ty Nissei nhưng phải thuê phòng trọgần cầu Bình Triệu, khá xa công ty với giá 1,1 triệu đồng/tháng vì cô ở chung với người chị (làm khác công ty). Chưa kể, khoảng 900 nữ công nhân ở công ty này có gia đình cũng đành ngậm ngùi thuê nhà trọ vì không đáp ứng được quy định trên. “Dù biết vào sống khu lưu trú của công ty sướng thiệt, nhưng chúng tôi còn có chồng con. Chẳng lẽ vì vậy mà gia đình phân tán? Phải chi công ty đồng ý cho vợ chồng con cái ở chung với nhau, có thu tiền cũng được, thì đỡ biết mấy”, một chị than.
Bên cạnh đó, quy định không cho nấu nướng, không tiếp bạn bè tại phòng cũng là những nguyên nhân khiến khu lưu trú bị ế. Bạn bè, người thân đến chơi chỉ được gặp nhau ở phòng sinh hoạt chung tại sảnh, không được trễ quá 22 giờ. “Lương công nhân nếu không tăng ca, chỉ trên dưới 3 triệu/tháng, lại còn phải gửi tiền về quê. Không được nấu nướng, phải đi ăn ở ngoài 15.000 - 20.000 đồng/bữa, làm sao chịu tiền cho thấu”, Ngô Thị Trà, công nhân Công ty Hungway, nói.
 Tiếp tục chờ… 
Giải thích về quy định không cho phép bạn bè, người thân lên phòng chơi, ông Nguyễn Văn Tiến, quản lý khu lưu trú Công ty Hungway, cho biết phòng có 6 người ở chung, để người lạ vào, rất khó quản lý việc mất mát đồ đạc.
Đối với việc nấu nướng, ông Dương Huy Khôi, trợ lý trưởng bộ phận Tổng vụ Công ty Nissei, cho biết theo quy định về an toàn cháy nổ, công nhân sống tại đây không được nấu, nướng. “Tuy vậy, công ty đang kế hoạch bố trí khu nấu nướng riêng ở từng dãy nhà để công nhân có thể tự nấu ăn, dự kiến sau tết sẽ hoàn thành”, ông nói.
Riêng với nguyện vọng của phần đông công nhân là để người thân, vợ chồng làm khác công ty được ở chung (có thể thu phí), các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được một hướng giải quyết thích hợp. “Đồng ý để người thân làm ngoài công ty ở chung, lỡ có lúc nhu cầu ở khu lưu trú của công nhân công ty tăng lên thì sao? Đó là chưa kể việc khó khăn trong quản lý khi có nhiều đối tượng ở chung như thế”, ông Khôi cho biết.
 Nguyễn Tập 
 Chi tiết tại:  http://vieclamnhat.blogspot.com

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Triều Tiên: Công nhân được tăng lương gấp 100 lần

Tin lao động

Tháng 10.2013 vừa qua, công nhân làm việc tại khu mỏ Musansky, tại nhà máy luyện kim mang tên Kim Chhek cũng như tại một số xí nghiệp khác có sản phẩm được xuất khẩu của Triều Tiên đã được trả lương từ 250 đến 350 nghìn won Triều Tiên.  

Triều Tiên: Công nhân được tăng lương gấp 100 lần

Triều Tiên: Công nhân được tăng lương gấp 100 lần

Đây là một tin vô cùng bất ngờ, bởi đồng lương trước đó mà các công nhân này nhận được chỉ vào khoảng 3 đến 6 nghìn won. Như vậy, họ được tăng lương đột ngột từ 50 đến 100 lần.

Trên thực tế, 250 - 350 nghìn đồng won không phải là số tiền lớn và chỉ tương đương khoảng 30 - 40 USD theo thời giá hiện nay. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn Triều Tiên, đây là một số tiền rất lớn vì cho đến nay, đồng lương chính thức trong nước này chỉ vào khoảng 3 đến 4 nghìn won mỗi tháng. Số tiền này chỉ đủ để mua 1 đến 2 cân gạo ngoài chợ, vì vậy hầu hết công nhân phải sống nhờ vào khoản thu nhập từ việc làm thêm ở chợ và khu vực tư nhân. Như vậy, lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, người lao động ở khu mỏ Musansky và một số xí nghiệp đặc quyền khác đã nhận được khoản lương có thể cho là đủ để sống được.
Tuy nhiên, việc tăng lương trên lại làm dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt là lo ngại lạm phát. Bởi khi công nhân của các xí nghiệp xuất khẩu ra chợ với những túi căng đầy tiền mặt, giá cả thị trường chắc chắn sẽ tăng vọt ngay, trong khi chỉ một số ít xí nghiệp thực hiện việc tăng lương. Mà điều đó có nghĩa là trong cùng một thành phố và với cùng một công việc như nhau, công nhân ở các xí nghiệp khác nhau sẽ nhận được mức lương chênh lệch nhau từ 50 đến 100 lần. Rõ ràng là điều này không tránh khỏi việc dẫn đến một loạt các rắc rối khác nhau về chính trị và kinh tế, trong đó đáng ngại nhất là lạm phát tăng cao.
Có lẽ Bình Nhưỡng hiểu rõ thực tế này, do vậy chính quyền vừa thông qua quyết định thanh toán một phần lương mới bằng hàng hóa. Vì vậy, các công nhân trên dù vừa được tăng lương song lại không được phép sử dụng các dịch vụ của thị trường.
Song nhiều nhà phân tích cho rằng việc cấm đoán này không hiệu quả trong thực tế. Điều này thể hiện rõ qua kinh nghiệm cải cách tiền tệ năm 2009, khi chính phủ Triều Tiên cũng đã công bố về việc gia tăng mức lương lên hàng trăm lần, sau đó, khi phải đối mặt với việc giá cả tăng vọt, họ cố gắng ổn định tình hình với sự trợ giúp của rất nhiều biện pháp cấm đoán hành chính. Những nỗ lực khi đó đã không đem lại kết quả gì.

Dù vậy, những biện pháp đang được Bình Nhưỡng thực hiện cho thấy các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhận thức được thực tế là nền kinh tế đất nước đang cần có sự thay đổi.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Lao động “Phổ thông” sẽ không còn ... “cửa” đi xuất khẩu lao động

Tin tức lao động

Cơ quan quản lý thì chạy theo thành tích, vụ việc; DN xuất khẩu thì chạy theo lợi nhuận, còn người lao động thì chạy theo những toan tính của riêng mình. Nếu không thay đổi và sớm khắc phục thực trạng này thì hoạt động xuất khẩu lao động sẽ ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với lao động phổ thông.

So với mục tiêu XKLĐ đề ra (80.000 lao động) trong năm 2013,
cả nước vẫn còn thiếu tới gần 10 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.



Để đảm bảo cho thị trường xuất khẩu lao động phát triển bền vững thay vì chạy theo số lượng và tập trung vào các thị trường truyền thống, đã đến lúc phải tập trung vào chất lượng, hướng tới các thị trường mới.
Còn đó bài học từ thị trường Hàn Quốc
Một tin vui, sau 2 tháng quyết định loại VN ra khỏi danh sách tuyển dụng lao động nước ngoài năm 2013, từ tháng 10/2013, thị trường Hàn Quốc chính thức mở cửa tuyển dụng lao động VN trở lại làm việc. Hi vọng với bản cam kết mới giữa hai nước và Nghị định 95 về quy định mới trong việc xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc sẽ mang lai nhiều điểm tích cực, mở ra một con đường mới cho người lao động VN muốn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung.
Tuy nhiên, dù là tin vui, nhưng nó là một bài học rất lớn đối với công tác quản lý xuất khẩu lao động. Bởi sau khi thị trường Hàn Quốc đóng cửa, thị trường xuất khẩu lao động lập tức gặp khó khăn. Theo số liệu thống kê, trong tháng 10, cả nước có 7.496 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đưa tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong mười tháng lên 70.253 người. So với mục tiêu đề ra (80.000 lao động) trong năm 2013, vẫn còn thiếu tới gần 10 nghìn người. Nếu loại bỏ lao động VN sang làm việc tại Lào (4.549 người) và Campuchia (3.962 người) thì  sẽ thấp hơn chỉ tiêu khoảng ¼.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản khiến cho mục tiêu xuất khẩu lao động không đạt đó là chúng ta chỉ tập trung vào số lượng mà quên chất lượng. Chúng ta mới cung ứng lao động phổ thông, thiếu kỹ năng chứ chưa cung ứng lao động chất lượng cao. Điều này không chỉ khiến cho thu nhập của người lao động thấp mà còn đẩy họ vào cuộc cạnh tranh khốc liêt với các nước trong khu vực. Hệ quả là lao động VN khó cạnh tranh được với lao động Trung Quốc và Indonesia. Bởi vì tỉ lệ bỏ trốn của lao động Trung Quốc và Indonesia thấp hơn VN. Vé máy bay từ Trung Quốc đi Nhật Bản rẻ hơn đi từ VN (200 USD so với 500 USD) nên để tiết kiệm chi phí, đối tác Nhật chỉ muốn tuyển chọn lao động Trung Quốc.
Ngoài ra, vì chay theo chỉ tiêu đặt ra, ăn xổi, chúng ta khó có thể phát triển sang các thị trường khác mà ở đó đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, được đào tạo bài bản. Quan trọng, chúng ta thiếu một chiến lược, hoạch định cụ thể cho hoạt động xuất khẩu lao động.
Rách đâu vá đó?

Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi.
Trở lại câu chuyện của thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, việc nước này mở cửa lại một phần là do những nỗ lực cải thiện của các cơ quan quản lý VN, trong đó có việc ra đời Nghị định 95/2013/NĐ-CP, về việc ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng. Nhằm siết chặt tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, từ 10/10/2013, sẽ phạt 100 triệu đồng nếu lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; bỏ trốn tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc; lôi kéo dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt lao động VN ở lại cư trú bất hợp pháp. Ngoài việc phạt 100 triệu đồng, những lao động này buộc về nước và không được đi làm việc trong 2 năm (nếu bỏ trốn tại nơi cư trú), 5 năm nếu bỏ trốn tại sân bay và dụ dỗ người khác ở lại Hàn Quốc trái quy định. Nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (từ ngày 10/10/2013 đến ngày 10/1/2014), lao động đã bỏ trốn sẽ được miễn xử phạt hành chính.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định rõ: DN tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng nếu có hành vi không báo cáo danh sách lao động xuất cảnh với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự VN ở nước ngoài theo quy định hoặc không phối hợp với các cơ quan này trong việc quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên đây chẳng qua cũng là giải pháp tình thế, bởi  nếu như có một trường hợp tương tự ở thị trường khác, chúng ta lại phải có một Nghị định tiếp theo?
Cơ hội ở thị trường mới
Mặc dù, năm 2014 dự báo thị trường XKLĐ còn khó khăn do lao động VN khó cạnh tranh với Trung Quốc, Indonesia tại thị trường Nhật Bản, thị trường Đài Loan đã mở cửa trở lại với lao động Philippines, thị trường truyền thống là Malaysia nhưng rất bấp bênh. Tuy nhiên, theo ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của VN đang dần hé mở. Cụ thể, chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi, tạo nên hi vọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề điều dưỡng, hộ lý tại các nước phát triển.
Nói một cách khác thì đây phải là hướng đi mà các cơ quan quản lý xuất khẩu lao động cần hướng tới. Bởi theo Quỹ  tiền tệ quốc tế (IMF), thị trường lao động thế giới hiện nay đã tăng gấp 4 lần so với năm 1980 và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào 2050. Ở các nước phát triển, giới phân tích thị trường việc làm cho rằng lao động có tay nghề, có kỹ thuật cao vẫn thiếu trầm trọng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền:
Qua thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 doanh nghiệp do vi phạm các quy định về đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Trong đó, một DN bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 6 tháng, một DN khác bị đình chỉ hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Singapore trong thời gian 3 tháng.
Ngoài ra, công tác cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các DN cũng đã được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật quy định nhằm đảo bảo chỉ các DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và có khả năng mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Thị trường nào thu nhập cao nhất ?
* Theo thông báo của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về mức lương tối thiểu áp dụng cho NLĐ nước ngoài từ 1/1/2013 đến 31/12/2013, thu nhập trung bình của NLĐ làm việc tại Hàn Quốc ở mức trung bình cao nhất sẽ từ 1.300-1.700 USD/tháng (khoảng 26-35 triệu đồng/tháng), còn phổ biến cũng từ 1.000-1.500 USD/tháng.
* Đài Loan là thị trường tiếp nhận lao động VN lớn nhất trong năm 2012, với khoảng 30.500 người. Lao động VN tham gia thị trường này làm việc trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất chế tạo, cơ khí, may mặc, nông nghiệp, đồ mộc... Lương cơ bản khoảng 8-9 triệu đồng. Đối với lao động tại nhà máy, công trường làm thêm 2 giờ trong ngày bình thường được trả thêm 33% lương mỗi giờ; làm thêm các giờ tiếp theo được trả thêm 66% lương mỗi giờ; làm thêm ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ phép được trả lương gấp 2 lần ngày thường.
* Macau (Trung Quốc) cũng là thị trường thu hút nhiều lao động VN, nhất là lao động có nhu cầu đi làm giúp việc gia đình. Hiện, theo ước tính, có khoảng hơn 10.000 lao động VN đang làm việc hợp pháp tại đây. Lao động VN tại đây được đánh giá là cần cù chịu khó, song  ngôn ngữ cũng như các kỹ năng khác lại kém lao động đến từ Trung Quốc, Philippines, Indonesia. Lao động đi làm giúp việc, được chủ sử dụng chu cấp miễn phí nơi ăn, ở và tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng/tháng.
* Từ quý I/2013, tình hình Libya đã tương đối ổn định và bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận lao động VN. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, một số điều kiện của hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại nước này đã thay đổi. Trong đó, mức lương tối thiểu sau khi trừ thuế và các khoản đóng góp khác sẽ là 260 USD/tháng đối với lao động không nghề; 300 USD/tháng đối với lao động bán nghề; 320 USD/tháng đối với lao động lành nghề. Trường hợp NLĐ phải đóng thuế thì mức lương cơ bản trong hợp đồng sẽ phải tăng lên tương ứng.
Phan Nam
Chi tiết tại:http://vieclamnhat.blogspot.com/ 

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Sếp nhận lương khủng, nhân viên thì bị chậm lương thất nghiệp

Tin tức lao động

Trong khi công nhân thất nghiệp, bị HANCORP chậm lương , “quỵt” bảo hiểm…thì Tổng giám đốc vẫn vô tư nhận lương, thưởng hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thời gian gần đây, dư luận vô cùng bức xúc trước thông tin công nhân của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) đang phải chật vật mưu sinh vì bị công ty chậm lương, “quỵt” bảo hiểm và các chế độ cho người lao động, thậm chí hàng trăm người rơi vào cảnh thất nghiệp do nhà máy đột ngột đóng cửa. Trong khi đó, Tổng giám đốc HANCORP vẫn vô tư nhận lương, thưởng tiền tỷ mỗi năm.
Cuối tháng 10/2013, nhiều công nhân Nhà máy gạch K2 Đông Văn thuộc Công ty HANCORP.2 (Công ty thành viên của HANCORP) đã kéo nhau đến “bao vây” trụ sở HANCORP.2 ở xã Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa, chăng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu giải quyết việc làm, trả lương, đóng bảo hiểm (BH) xã hội, BH y tế cho người lao động.


 Công nhân Nhà máy gạch K2 tập trung đòi quyền lợi. Ảnh: Thanhtra.  


Theo những công nhân này, Nhà máy gạch K2 Đông Văn bỗng dừng hoạt động bất thường khoảng 3 tháng nay khiến gần 150 công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc công ty không trả lương, không đóng BH và chi trả các chế độ cho người lao động khiến công nhân bức xúc, gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng.
Cụ thể, hơn 1 năm qua, từ tháng 2/2012 tới nay, công nhân nhà máy đều nộp BH đầy đủ nhưng HANCORP.2 không chịu đóng BH xã hội với số tiền nợ lên tới 8 tỷ đồng. Cũng từ tháng 2/2012, các chế độ của người lao động như nghỉ ốm, thai sản không được chi trả. Thẻ BH y tế hết hạn từ tháng 7/2013 nhưng chưa được cấp lại. Lương công nhân từ 7/2013 vẫn chưa được chi trả. Vì điều kiện quá khó khăn công nhân đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã báo trước 45 ngày nhưng HANCORP.2 vẫn không chi trả một năm nửa tháng lương theo khoản 1, Điều 48 Bộ luật Lao động. Công nhân sản xuất vật liệu xây dựng ở bảng lương A1 nhóm 2 nhưng công ty cũng không trả 14 ngày phép và không đăng ký với BH xã hội nghề độc hại cho công nhân để được khấu trừ 5 năm khi về hưu.
Bức xúc hơn, kể từ khi Nhà máy gạch K2 đóng cửa, công nhân mất việc làm nhưng HANCORP.2 không có bất cứ thông báo nào về việc công nhân được chế độ ra sao, ai chi trả khiến hàng trăng công nhân hoang mang, trong khi các công nhân làm việc tại nhà máy đều có đóng cổ phần từ 1 đến 15 triệu đồng.
Trong khi công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, “sống dở, chết dở” vì không có lương nuôi sống gia đình thì mới đây,nhiều người không khỏi choáng váng khi biết Tổng giám đốc HANCORP hàng năm vẫn vô tư nhận chế độ lương, thưởng với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.


 Bảng tiền lương, tiền thưởng thù lao "khủng" của Chủ tịch, TGĐ Công ty HANCORP.   

Theo công bố của ông Phạm Tử Linh – Trưởng phòng Tổ chức lao động HANCORP vào ngày 22/10, trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cùng nhiều lãnh đạo của Bộ Xây dựng và các lãnh đạo HANCORP, lương, thưởng và thù lao của ông Nghiêm Sĩ Minh – Bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên (Nguyên Tổng giám đốc HANCORP) trong các năm 2011 và 2012 lên tới hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ việc lãnh đạo nhận lương “khủng” trong khi công ty “quỵt” nhiều chế độ của người lao động khiến dư luận bức xúc, ngay tại HANCORP còn để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác Đảng, bổ nhiệm cán bộ, buông lỏng quản lý…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ra văn bản chỉ đạo xác minh những sai phạm tại HANCORP. Thực hiện chỉ đạo này, Tiến sỹ Phạm Gia Yên - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, đã ký Quyết định kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh những sai phạm của lãnh đạo HANCORP mà dư luận nhiều lần lên tiếng.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, các đơn vị thành viên của HANCORP nằm trong diện thanh tra gồm có: Công ty cổ phần Hancorp 2; Công ty cổ phần Thiết bị và Vật liệu xây dựng Hancorp; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ; Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả; Công ty cổ phần bê tông xây dựng Hà Nội; Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hancorp sẽ là đối tượng chính của cuộc kiểm tra. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chánh Thanh tra Bộ, làm Trưởng đoàn cùng 6 thành viên, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 29/10 vừa qua.
Minh Tùng

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Giúp công nhân được sống tốt hơn

Tin tức lao động

Tiền lương chỉ bằng 70% mức sống tối thiểu, nhà ở cũng chỉ đáp ứng được khoảng 5/90% có nhu cầu, nhiều công nhân không có việc làm, làm việc cầm chừng. Đó là thực tế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nước ta. Xung quang vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với Tiến sĩ Đặng Quang Điều (ảnh), Trưởng Ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).


´Ông đánh giá thế nào về chất lượng đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay?

Những năm qua Nhà nước đã rất quan tâm đến đời sống công nhân ở các khu công nghiệp bằng việc cải thiện tiền lương, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh đời sống công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, sự cố gắng của các cấp, các ngành chưa có sự bứt phá nên đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là, do tiền lương, thu nhập của người lao động chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay khi nền kinh tế nước ta không nằm ngoài sự suy thoái của thế giới. Tiền lương tối thiểu của công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động, nên càng khó khăn vất vả hơn. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống lại liên tục tăng cao. Công nhân đã phải tiết kiệm chi tiêu từng đồng mới đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Họ hầu như không có tích lũy. Nếu hai vợ chồng có một đứa con sẽ không đủ sống phải nhờ người thân giúp đỡ thêm. Công đoàn cũng rất chia sẻ với người lao động và mong thời kỳ suy thoái kinh tế sớm qua đi, sản xuất kinh doanh phát triển để cải thiện cuộc sống của người lao động, để họ tái sản xuất sức lao động được tốt hơn.
´Như vậy thì đời sống tinh thần của họ thế nào, thưa ông?

Khi cuộc sống vật chất khó khăn như vậy, công nhân không có khoản tiền nào để hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần. Họ không có tiền để đi du lịch, xem phim, ca nhạc… Trong thời đại thông tin như hiện nay, nhiều công nhân vẫn bị “mù thông tin”, bởi họ không có tiền mua báo, ti vi, đài và internet lại càng không.
´Chúng ta đã có những chính sách gì về nhà ở đối với công nhân, thưa ông?

Hiện nay, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất rất thiếu thốn về chỗ ở. Có trên 90% lao động ở khu công nghiệp, chế xuất có nhu cầu thuê nhà, nhưng mới chỉ 5% được thuê nhà ở, do doanh nghiệp, nhà nước xây, còn lại phải đi thuê nhà của người dân ở xung quanh để ở. Thời gian vừa qua tổ chức công đoàn đã kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù để các tổ chức, cá nhân xây nhà cho công nhân ở. Cơ chế chính sách này đã thể hiện trong Quyết định 66 của Chính phủ ban hành từ năm 2009, nhưng chính sách này không đi vào cuộc sống vì vậy tình hình nhà ở của người lao động vẫn rất khó khăn. Do quyết định chưa có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư xây nhà ở cho công nhân, bởi việc thu hồi đủ vốn từ dự án này rất lâu. Ngoài ra, còn do khủng khoảng tài chính cũng gây khó khăn khi thực hiện quyết định này.

Những chợ tạm, chợ chiều là nơi mua bán “ruột” của công nhân sau giờ tan ca.

Việc xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em công nhân cũng thiếu thốn trầm trọng. Công nhân không có chỗ gửi con nên phải gửi ở những nhà trẻ tư thục hoặc phải đưa con về quê nhờ ông bà, người thân. Trẻ đến tuổi đi học lớp 1 cũng không đủ chỗ, nên con em công nhân phải cầu cạnh nhiều nơi để có thể cho con em vào trường dân lập để học.
´Ông có suy nghĩ gì về việc nhiều công nhân đang lo lắng năm nay sẽ không có tiền thưởng Tết?

Hoàn toàn là có nguy cơ như vậy, bởi trước khó khăn của doanh nghiệp, nhiều công nhân còn lo tiền lương của mình có thể bị cắt xén, hoặc Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu, nhưng doanh nghiệp không thực hiện. Tuy nhiên, tiền thưởng là do lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp, luật cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng.
´Tổng Liên đoàn có giải pháp gì để công nhân có đời sống tốt hơn, thưa ông?

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia tích cực vào việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, làm sao sớm tiếp cận được mức sống tối thiểu của công nhân. Hiện nay, mức lương tối thiểu mới chỉ đạt khoảng 70% mức sống tối thiểu của công nhân, chưa đủ để họ tái sản xuất sức lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tham gia mạnh mẽ vào việc kiến nghị các cơ quan hữu quan trong vấn đề thực hiện nghiêm các chế độ chính sách đối với công nhân như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm… bởi các chính sách này được quy định trong các luật, nhưng việc thực hiện đang bị vênh nhau rất lớn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị cần phải có chế tài thật mạnh, giải pháp quản lý tốt để những chính sách mà đương nhiên công nhân được hưởng thì cần thực hiện một cách nghiêm túc. Việc nợ bảo hiểm xã hội là do các công ty, doanh nghiệp nợ, nhưng công nhân lại là người phải chịu thiệt thòi. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những sai phạm và kiến nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các công ty, doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định giờ làm việc để làm sao luật phải được tôn nghiêm.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi Quyết định 66 về làm nhà ở cho công nhân đi vào cuộc sống như: Cần có kinh phí của Nhà nước và có quy hoạch khu nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp để trở thành một đô thị, thành phố cho công nhân, ở đó có đầy đủ hạ tầng cơ sở: Nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trạm xá để phục đời sống công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Thủy (thực hiện)

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ngày càng đẩy mạnh

Tin tức lao động

QĐND - Được triển khai từ tháng 9-2013 đến tháng 9-2016 với tổng kinh phí hơn 9,4 triệu USD, Dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)” được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động thời gian tới.
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn quốc đã xảy ra 3.322 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.431 người chết và bị thương (323 người chết, 759 người bị thương nặng). TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương vẫn là những địa phương đứng đầu cả nước về  TNLĐ; trong đó ngành nghề khai thác khoáng sản; xây dựng; kinh doanh điện; cơ khí chế tạo luôn xảy ra TNLĐ nhiều nhất. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2013 (chi phí tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và bị thương...) là 39,23 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 5,06 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên đến 38.109 ngày.
Công nhân Công ty Điện lực Hà Nam luyện tập chữa cháy, nổ.

Tại TP Hồ Chí Minh, 9 tháng năm 2013 tình hình TNLĐ, sự cố cháy nổ trên địa bàn vẫn ở mức cao với 76 vụ TNLĐ chết người, tăng 12 vụ tai nạn chết người so với cùng kỳ năm 2012. Theo đại diện Sở LĐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do nhận thức của nhiều đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ về công tác ATVSLĐ-phòng, chống cháy nổ còn hạn chế; các cơ quan quản lý nhà nước các cấp không đủ lực lượng; cơ chế thanh, kiểm tra ATVSLĐ chưa chặt chẽ và đặc biệt là nhiều người lao động và chủ sử dụng lao động còn nhận thức chủ quan, thiếu hiểu biết, không chủ động phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Không riêng ở TP Hồ Chí Minh, mà TNLĐ đang có chiều hướng gia tăng trong cả nước. Trong đó nguyên nhân dẫn tới TNLĐ chủ yếu là do ý thức chủ quan, thiếu hiểu biết của cả người lao động và người sử dụng lao động. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân thường không chú ý tới công tác an toàn lao động, không tổ chức tập huấn về an toàn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật. Thậm chí, nhiều loại máy móc không có hướng dẫn cụ thể quy trình vận hành, nhất là những loại máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, dẫn đến xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng...
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH) cho biết, mỗi năm Việt Nam có hàng triệu người lao động được huấn luyện về ATVSLĐ, nhưng con số này mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng lao động trên toàn quốc. Xuất phát từ thực tế này, Bộ LĐ-TB và XH đã triển khai “Dự án nâng cao năng lực Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ” với tổng kinh phí hơn 9,4 triệu USD, trong đó Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 3,4 triệu USD và kinh phí từ Chính phủ Việt Nam là hơn 6 triệu USD. Dự án gồm 11 nhiệm vụ, chia đều trong 4 hạng mục: Phát triển chương trình giảng dạy, giảng viên Hàn Quốc triển khai đào tạo tại Việt Nam, đào tạo công chức Việt Nam tại Hàn Quốc và lắp đặt thiết bị huấn luyện. Mục tiêu của dự án là trang bị kiến thức, đào tạo về ATVSLĐ cho 90.000 lao động mỗi năm, gồm: 40.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 10.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 40.000 cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
“Trước tình hình trên, Bộ LĐ-TB và XH đã tập trung triển khai các dự án nhằm giảm lượng TNLĐ, nhất là những tai nạn liên quan trực tiếp đến tính mạng người lao động. Việc nâng Trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ lên tầm quốc gia là một trong những bước đi chiến lược của các dự án này” - ông Thắng nhấn mạnh.
Cảnh báo của các chuyên gia cho thấy, Việt Nam đang đi sau nhiều nước trên thế giới về ATVSLĐ và sẽ là quá muộn nếu không có những giải pháp phù hợp. Chính vì vậy, việc triển khai dự án là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay TNLĐ xảy ra phần lớn do thiếu hiểu biết của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục… đã đến lúc cần phải luật hóa công tác ATVSLĐ để các cấp, ngành, địa phương có chế tài xử lý. Hơn nữa, khi công tác ATVSLĐ được đưa vào luật, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đều bình đẳng và bắt buộc phải thực hiện, không thể viện lý do để “né” việc thực hiện an toàn lao động./.
 Bài và ảnh: KHANH LÊ 
 
Copyright © 2013 Việc làm Nhật Bản
Powered byBlogger